Thị trường lao động Hàn Quốc luôn hấp dẫn người lao động khi thu nhập cao hơn các thị trường khác. Ngoài ra, nhiều hiệp định hợp tác lao động giữa hai Chính phủ đã được ký kết tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được hưởng các ưu đãi khi làm việc tại đây. Đặc biệt công ty Long Hưng đã được chấp thuận để thực hiện chuẩn bị nguồn lao động cung ứng cho Hàn Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc mới đây cũng vừa thông báo về phương án sửa đổi chế độ cấp phép tuyển dụng đối với lao động nước ngoài, có thể kéo dài thời gian cư trú lên tới 10 năm. Điều này được xem là cơ hội rất lớn cho những lao động Việt Nam đã và đang mong muốn đi làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian tới.

Năm 2022, Việt Nam có gần 9.000 lao động nhập cảnh Hàn Quốc trong tổng số chỉ tiêu 70.000 người cho 16 nước tham gia phái cử. Số lượng lao động Việt Nam tại Hàn Quốc tăng gấp đôi so với các năm trước và cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

“Chúng tôi luôn đề cao hợp tác lao động Việt Nam – Hàn Quốc và luôn ưu tiên cho lao động Việt. Nhu cầu về người lao động Việt Nam của Hàn Quốc đang dần tăng cao, do đó dự kiến sẽ có thêm hạn ngạch cho Việt Nam. Trong đó chúng tôi ưu tiên lao động ở những vùng khó khăn”, bà Yun Jae Yeon, Trưởng Văn phòng đại diện Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam, cho hay.

Năm nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phấn đấu đưa 10.000 người sang Hàn Quốc lao động. Hiện có trên 40.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc trong nhiều ngành nghề như sản xuất, chế tạo, lắp ráp, nông – ngư nghiệp…

Tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc hiện đã giảm rõ rệt. Do đó, Việt Nam đang đề xuất để Hàn Quốc xem xét tăng chỉ tiêu chương trình cấp phép việc làm cho lao động người nước ngoài, mở rộng tiếp nhận lao động thời vụ, lao động kỹ thuật lành nghề tạo cơ hội cho người có kinh nghiệm trở lại nước này.

Mục tiêu của việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài không còn đơn thuần là xóa đói giảm nghèo, mà để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đi để trở về khởi nghiệp. Nhiều lao động đã có ý thức học hỏi, thu thập, tích lũy kinh nghiệm để có việc làm tốt hơn sau khi về nước.

Yêu cầu của người lao động đối với công việc cao hơn trước và sự cạnh tranh ngày càng nhiều hơn nên các công ty dịch vụ đều chú ý đến việc bảo vệ người lao động, đàm phán hợp đồng để lấy mức lương cao hơn cho họ.